Bạc hà hay còn được gọi là bạc hà nam, bạc hà Nhật Bản, húng cay, húng bạc hà, nạt nặm, chạ phiăc chom (Tày), thuộc họ Hoa môi với danh pháp khoa học là Lamiaceae. Bạc hà là thảo dược có nhiều công dụng vượt trội cho sức khỏe, được sử dụng cả đông y và tây y với những hiệu quả bất ngờ trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý do có tác dụng làm nóng, sát trùng, dễ tiêu, chữa cảm cúm, nhức đầu sổ mũi, đau bụng (Lá). Cùng mình tìm hiểu về các đặc điểm của cây bạc hà qua bài viết này nhé!
Mặc dù là một loại thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền từ hàng trăm năm về trước, tuy nhiên, việc dùng Bạc hà sai cách hoặc không đúng liều lượng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn. Vì vậy, để tìm hiểu rõ hơn về những đặc tính của cây Bạc hà cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng Medigo đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu 7 tác dụng của bạc hà đối với sức khỏe con người
- Những lưu ý khi sử dụng bạc hà cần biết để dùng đúng cách
- Các bài thuốc từ bạc hà có thể bạn sẽ bất ngờ về công dụng
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Bạc hà, bạc hà nam, bạc hà Nhật Bản, húng cay, húng bạc hà, nạt nặm, chạ phiăc chom (Tày).
- Tên khoa học: Mentha arvensis L.
- Họ: Lamiaceae (Bạc hà)
- Công dụng: Thuốc làm nóng, sát trùng, dễ tiêu, chữa cảm cúm, nhức đầu sổ mũi, đau bụng (Lá).
Đặc điểm của cây bạc hà
Đặc điểm của cây bạc hà là cây thảo sống lâu năm. Thân cây mọc đứng hay bò và có phân thành nhiều nhánh nhỏ. Màu sắc thân xanh đậm hoặc tím nhạt với rất nhiều lông ngắn. Cây có mùi thơm nhẹ khá dễ chịu, vị hơi cay mát. Lá mọc đối, thon dài, kích thước 3-5cm, mép có răng cưa, mặt trên và mặt dưới đều có lông. Đặc điểm của cây bạc hà có cánh hoa nhỏ, mọc tập trung, kết thành vòng ở kẽ lá. Hoa màu tím, trắng, hồng nhạt. Toàn cây có mùi thơm. Quả khá nhỏ và có 4 hạt. Cây ra hoa vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Cây bạc hà mọc hoang và được trồng tại nhiều vùng ở nước ta, mọc hoang cả ở miền đồng bằng và ở miền núi. Chúng tôi đã phát hiện mọc hoang nhiều ở Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Tây), Bắc Cạn, Sơn La.
Mùa trồng thích hợp nhất là tháng 8-9, mỗi năm thu hái 2-3 lần (tháng 10-11, tháng 2-3, tháng 5) lúc cây chưa ra hoa hay vừa mới ra. Sau khi cắt đem phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng của Bạc hà
Bộ phận sử dụng được của Bạc hà là lá và toàn cây.
Thành phần hóa học
Hoạt chất chủ yếu trong bạc hà là tinh dầu bạc hà. Tỷ lệ tinh dầu trong bạc hà thường từ0,5 đến 1%, có khi có thể lên tới 1,3-1,5%. Bằng phương pháp lựa chọn giống, Liên Xô cũ đã có những loại bạc hà đạt tới 5,2 đến 5,6% tinh dầu (tính trên cây, đã trừ độ ẩm). Ngoài tinh dầu, trong cây bạc hà còn có các flavonozit.
Thành phần chủ yếu trong tinh dầu bao gồm những chất sau đây:
Mentola C10H19OH có trong tinh dầu với tỷ lệ 40-50%, loài của Trung Quốc và Nhật Bản có thể lên tới 70-90%. Mentola ở trong tinh dầu chủ yếu ở trạng thái tự do nhưng một phần ở dạng kết hợp với axit axetic.
Mentol C10H18O chừng 10 đến 20% trong tinh dầu bạc hà Trung Quốc.
Tác dụng của Bạc hà
Theo y học cổ truyền
Bạc hà có vị cay, mát không độc, vào 2 kinh phế và can, có tác dụng trừ phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, viêm kết mạc mắt, viêm mũi, ngạt mũi, đau sưng họng, đậu sởi, mề đay, ban chẩn.
Theo y học hiện đại
Trong điều trị đau dây thần kinh và chống say tàu xe
Khi dùng tại chỗ, tinh dầu bạc hà tạo cảm giác mát và tê tại chỗ, giảm đau dây thần kinh, ngoài ra còn dùng làm thuốc sát trùng, xoa bóp nơi sưng đau (xương khớp, thái dương khi nhức đầu). Uống trà bạc hà nóng có tác dụng giảm nôn trong say tàu xe.
Trong điều trị ngứa và làm sạch xoang mũi
Bạc hà có tác dụng sát trùng mạnh thường giúp giảm ngứa trong các bệnh ngoài da, khi xông trực tiếp giúp làm sạch và thông xoang mũi.
Trong điều trị sốt
Tinh dầu bạc hà hay mentol uống với liều rất nhỏ có thể gây hưng phấn, tăng bài tiết mồ hôi, làm giảm thân nhiệt chữa cảm sốt, cảm mạo, mũi ngạt, nhức đầu.
Trong điều trị hôi miệng, căng thẳng
Nhai vài lá bạc hà hoặc uống trà bạc hà sau ăn sẽ giúp khử mùi hiệu quả.
Uống trà bạc hà vào ban đêm sẽ khiến bạn giảm stress và dễ ngủ.
Có thể bạn quan tâm:
- Bồ công anh – 7 tác dụng lớn với cơ thể con người
- Cây Cúc Tần – Loại cây thần ít người biết đến công dụng
Liều lượng và cách dùng Bạc hà
Liều dùng lá và toàn cây: Ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc pha.
Tinh dầu và mentola: Một liều 0,02 đến 0,2 ml, một ngày 0,06 đến 0,6 ml.
Còn dùng dưới hình thức cồn bạc hà (lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 đến 10 hay 15 giọt, cho vào nước nóng mà uống.
Bài thuốc chữa bệnh từ Bạc hà
Thuốc chữa nôn thông mật giúp dễ tiêu hoá
Lá bạc hà hay toàn cây bạc hà bỏ rễ 5g, pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống 1 lần. Có thể dùng cồn bạc hà theo công thức tương tự ở trên, mỗi lần uống 5 – 10 giọt.
Chè chữa cảm mạo, nhức đầu
Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Nước sôi đổ vào chờ 20 phút, uống lúc đang nóng.
Phòng cảm cúm
Bạc hà, Tía tô, Kinh giới, Hoắc hương mỗi thứ 4 – 6g, sắc nước cho trẻ uống để chống cúm lúc có dịch cúm.
Tán nhiệt, giải biểu
Bạc hà 8g, thuyền thoái (xác ve sầu) bỏ chân 12g, thạch cao 24g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Chữa các chứng cảm mạo mới phát có phong nhiệt ở biểu.
Bột Thạch cao bạc hà: Thạch cao sống 40g, bạc hà diệp 20g, nghiền mịn, uống 2g – 3g mỗi lần; ngày 3 lần, uống với nước nóng. Trị sốt sợ nóng, mồ hôi không thoát, miệng khát, tim hồi hộp, đêm ngủ không ngon.
Lưu ý khi sử dụng Bạc hà
Thuốc không được đun sôi lâu, nếu là nước sắc, vì Bạc hà phải cho vào sau.
Không dùng cho trường hợp biểu hư ra mồ hôi nhiều.
Tinh dầu bạc hà và mentola bôi mũi hay bối trong cổ họng có thể gây hiện tượng ức chế có thể tới ngừng thở và tim ngừng đập hoàn toàn. Hiện tượng này hay xảy ra nhất là đối với trẻ con ít tuổi. Người ta đã nhận xét thấy một số trường hợp chết do nhỏ mũi 1 giọt dầu mentola 1% hoặc bôi vào niêm mạc mũi một ít thuốc mở có mentola. Do đó chúng ta cần hết sức thận trọng khi dùng tinh dầu hạc hà hay dầu cù là cho trẻ con ít tuổi, nhất là trẻ con mới đẻ.
Một số tác dụng phụ của bạc hà đã được ghi nhận như:
- Dị ứng da
- Nổi phát ban trên da
- Co giật
- Ợ nóng
- Làm chậm nhịp tim
- Hạ đường huyết
- Ngộ độc do dùng quá liều
Bảo quản Bạc hà
Bạc hà khô sẽ được cất trong bịch ni lông hoặc đựng trong hộp kín và để nơi khô ráo, thoáng mát dùng dần.
Trên đây là các thông tin về đặc điểm của cây bạc hà, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ cây Bạc hà cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà mình chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.
Tổng hợp: dongy365.net