Hà thủ ô đỏ là thảo dược được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc điều trị bệnh của y học cổ truyền, hiện được trồng ở nhiều nơi ở nước ta. Để tìm hiểu rõ hơn về những đặc điểm của hà thủ ô cũng như tác dụng, cách dùng, lưu ý, hãy cùng đọc thêm trong bài viết dưới đây.
Thông tin chung
- Tên tiếng Việt: Cây Hà thủ ô đỏ, Dạ giao đằng, Má ỏn, Mằn năng ón (Tày), Khua lình (Thái), Xạ ú sí (Dao).
- Tên khoa học: Polygonum multiflorum Thunb.
- Họ: họ Rau răm (Polygonaceae)
- Công dụng: ngoài công dụng làm đen tóc, Hà thủ ô đỏ còn có tác dụng bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét.
Đặc điểm của hà thủ ô
Dây leo nhỏ, sông dai, có rễ phình thành củ, màu nâu đỏ, củ nguyên có hình giống củ khoai lang. Thân quấn mọc xoắn vào nhau, màu xanh tía.
Lá mọc so le, hình tim, có mũi nhọn ở đỉnh, dài 4 – 8 cm rộng 2 , 5 – 5 cm. Cuống lá có phủ lông, bẹ chìa mỏng. Lá có màu xanh đậm, mặt trên có nhiều gân lá.
Hoa họp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, có nhiều nhánh. Hoa nhiều, nhỏ, đưòng kính 2 mm mọc ở nách các lá bắc ngắn. Bao hoa màu trắng ngà, nhị 8 trong đó có 3 nhị hơi dài.
Cây cho ra quả khô, bên ngoài thấy rõ 3 cạnh, vỏ không thể tự mở.
Phân bố, thu hoạch và chế biến
Hà thủ ô là cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các quần thể rừng núi đá vôi.
Hà thủ ô phân bố rộng rãi ở nhiều nước cận nhiệt đới và nhiệt đới. Cây mọc hoang ở hầu hết các tỉnh miền núi từ Nghệ An trở ra, có nhiều ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoà Bình có số lượng ít hơn. Hiện nay, Hà thủ ô được trồng ở nhiều nơi vùng ở phía Bắc (Vĩnh Phúc) và cả ở phía Nam, cây mọc tốt ở Lâm Đồng, Đắc Lắc, Phú Yên, Bình Định. Cây hà thủ ô đỏ có thể được trồng bằng một đoạn thân, hạt, củ hay cành bánh tẻ. Khi trồng người ta cắt thân thành những đoạn ngắn rồi dâm vào bầu trong hai tháng trước khi trồng ra luống. Sau ít nhất 2 – 3 năm mới bắt đầu thu hoạch.
Rễ củ, thu hái vào mùa thu, đào về rửa sạch đất, bỏ rễ con. Củ to thì thái thành nhiều lát mỏng, củ nhỏ thì để nguyên. Dùng tươi hoặc phơi khô làm thuốc.
Hà thủ ô đỏ có thể chế biến như sau:
- Rễ củ được rửa sạch, ngâm nước vo gạo trong 24 giờ, rửa nước lại một lần nữa. Cho dược liệu vào nồi, rồi cho nước Đậu đen đến ngập với tỷ lệ 1 kg dược liệu và 100g Đậu đen và 2 lít nước. Nấu đến khi gần cạn, đảo luôn cho thuốc chín đều. Khi rễ củ đã mềm, lấy ra bỏ lõi. Nếu còn nước Đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Đồ phơi như vậy được chín lần là tốt (cửu chưng, cửu sái). Khi dùng thái lát hoặc bào thành phiến mỏng.
- Lấy 1 kg hà thủ ô đỏ đem ủ với 0,25 lít rượu trắng. Khi rượu ngấm đều vào củ, đem đồ chín, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng của Hà thủ ô đỏ
Rễ củ tròn hoặc hình thoi không nhất định, thường có những sóng lồi dọc theo củ. Củ dài 6 – 1 6 cm, chỗ phình có đường kính 4 – 8 cm. Có thể gặp những củ dài đến 40 cm, đường kính trên 10 cm. Mật ngoài màu nâu đỏ, mặt cắt màu hồng, có bột. Vị hơi đắng chát. Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy củ, rửa sạch, cắt bỏ rễ con, nếu to cần bổ nhỏ rồi phơi hoặc sấy khô. Dây Hà thủ ô có tên là Thủ ô đằng hoặc Dạ giao đằng cũng được dùng.
Thành phần hóa học
- Chủ yếu là anthraglycosid (emodin, chrysophanol, rhein, physcion); các stilben (2,3,5,4’-tetrahydroxystilbene-2-O-β-glucosid, rhapontin, ponticin).
- Lúc chưa chế, Hà thủ ô chứa 7,68% tanin và 0,80% anthraquinon toàn phần. Sau khi chế, còn 3,82% tanin và 0,25% anthraquinon toàn phần.
Tác dụng của Hà thủ ô đỏ
Trong đông y:
- Chữa tóc rụng và bạc sớm, hồi hộp, chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau mỏi lưng khớp, táo bón.
- Thuốc bổ cho người già yếu, thần kinh suy nhược, tiêu hóa kém.
- Chữa xơ cứng mạch máu người già, tăng huyết áp, nam giới chậm có con.
Trong y học hiện đại:
- Cao chiết Hà thủ ô có tác dụng chống oxy hóa mạnh, trong đó thành phần anthraquinon với emodin được xem là một trong những chất có tác dụng chính. Phân lập 3 chất có tác dụng chống oxy hóa khác là 2,3,5,4’-tetrahydroxystilben-2-0-ß-.D-glucosid, acid gallic và catechin Thân Hà thủ ô cũng có tác dụng chống oxy hoá. Phân đoạn chiết ethyl acetat giàu các anthraquinon trong Hà thủ ô đỏ có tác dụng bảo vệ cơ tim ex vivo. Tác động này có thể liên quan tới khả năng duy trì hoạt tính chống oxy hóa của glutathione trong điều kiện bị stress oxy hoá.
- Cao chiết nước Hà thủ ô và phần tan trong ethanol của cao nước có tác dụng có lợi trên bệnh parkinson gây ra bởi paraquat và maneb. Hà thủ ô có tác dụng bảo vệ các sợi thần kinh cholinergic chống lại tác dụng của acid kainic trong thực nghiệm.
- Cao chiết rễ củ và thân Hà thủ ô (tương tự như Đại hoàng) và emodin có tác dụng chống sự xâm nhiễm của virus SARS.
- Hà thủ ô chưa chế biến có tác dụng nhuận tràng nhẹ.
Lưu ý khi sử dụng Hà thủ ô đỏ
Trong vị thuốc Hà Thủ Ô có hai thành phần chính: các anthranoid có tác dụng gây tăng nhu cầu động ruột và gây tiêu chảy. Thành phần thứ hai là tannin, lại có tác dụng làm se ruột, gây táo bón. Như vậy, hai thành phần này luôn có tác dụng đối lập nhau. Vì thế, để dùng được tốt vị Hà Thủ Ô đỏ, người ta phải chú ý đến chế biến vị thuốc này, loại hết phần tannin, để không bị táo bón, bằng cách ngâm với nước vo gạo, và chế biến với các phụ liệu nói trên. Nếu việc chế biến không đạt yêu cầu, sẽ xảy ra hiện tượng vừa bị táo, lại vừa lỏng phân.
Hà thủ ô đỏ là một cây thuốc quý, cần được nhân giống và bảo vệ ở Việt Nam. Hà thủ ô đỏ thường được dùng làm đen tóc, bổ máu, an thần, dưỡng can, ích thận, cố tinh, nhuận tràng, chữa sốt rét. Sản phẩm từ Hà thủ ô đỏ dễ dàng tìm thấy trên thị trường của nhiều nhà sản xuất khác nhau.